Tranh: Orestes bị các nữ thần Erinnye giày vò vì đã giết mẹ mình

Chấm dứt cơn “điên loạn”

Sát nhân thực thụ trong những vụ án con giết cha mẹ này chính là hành động ngược đãi trẻ em. Thiệt hại nặng nề mà nó gây ra không chỉ là chết người mà chính là chết trong tâm hồn người bị liên tục ngược đãi.

Trên thực tế, rất ít trẻ bị ngược đãi nặng có hành động giết cha mẹ chúng. Nhưng tất cả chúng đều có nguy cơ trở thành phạm tội hoặc phụ thuộc xã hội cao hơn những đứa được cha mẹ hoặc người giám hộ chăm sóc. Thông thường, những ảnh hưởng tiêu cực do ngược đãi trẻ em gây ra không biểu hiện ra bên ngoài cho đến thế hệ sau. Phần lớn những người trưởng thành phạm tội giết người, bản thân họ đều là nạn nhân của hành vi ngược đãi khi còn nhỏ.

Sự thực không thể chối cãi và những ảnh hưởng của ngược đãi trẻ em ngày càng được coi là bổn phận của mọi người trong giáo dục. Tuy nhiên, xã hội lại làm những đứa trẻ này thất vọng. Xã hội đã thất bại trong việc thực hiện đủ trách nhiệm với chúng, thất bại trong việc bảo vệ chúng và thất bại trong việc khuyến khích nuôi nấng con cái tốt.

Những gì xã hội cần lúc này

Kỹ năng làm cha mẹ và nguồn động viên từ cha mẹ chính là những vấn đề cực kỳ cần được quan tâm. Cần mở các lớp học để giúp bậc làm cha mẹ giải quyết những căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, cụ thể là những người có nhu cầu đặc biệt. Nghiên cứu cho thấy việc nâng cao kiến thức của người làm cha mẹ về chăm sóc nhà cửa con cái, cũng như nâng cao sự phát triển kỹ năng giao tiếp tốt, quan hệ tình cảm lành mạnh và mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái giúp ngăn chặn tình trạng ngược đãi trẻ em.

Ngoài việc giáo dục người lớn và thiếu niên về sự phát triển của trẻ em và các kỹ năng làm cha mẹ, trường học các cấp trong nước nên mở các khóa học nhằm giúp trẻ em nhận thức được sự lạm dụng và bỏ mặc. Một cách lý tưởng, các khóa học này sẽ khuyến khích trẻ em phản kháng nếu bị hại hoặc đe dọa cũng như dạy chúng cách hành động; cũng sẽ có những người bênh vực trẻ em trong trường học để giúp đỡ chúng. Chương trình này nhằm khuyến khích phát triển lòng tự trọng và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn để giúp đỡ trẻ vị thành niên trong việc tự bảo vệ bản thân.

Gần 40% trường học ở Hoa Kỳ không giáo dục phương pháp phòng ngừa. Các chương trình chỉ hạn chế giúp trẻ bảo vệ mình tránh khỏi việc bị lạm dụng không thôi là chưa đủ; trẻ em và thanh thiếu niên phải tìm hiểu tất cả các dạng lạm dụng. Tổ chức các hoạt động này càng sớm thì chúng ta càng sớm chặn đứng các hành vi lạm dụng cũng như sớm giải quyết các hệ lụy kéo theo.

Không phải lúc nào các nạn nhân cũng có thể nhận thức mình đang bị ngược đãi hoặc bỏ mặc. Khi tôi phân tích 2 vấn đề này trong một giảng đường đại học, chỉ lúc đó các sinh viên mới ý thức được rằng họ đã từng bị ngược đãi hoặc bỏ mặc khi còn nhỏ. Một vài bà mẹ của những đứa trẻ phạm tội giết cha đã để con mình bị ngược đãi vì họ chưa từng nhận ra sự thật rằng chính họ cũng là nạn nhân.

Và đa số lạm dụng tình dục đều là vụng trộm. Một đứa trẻ có cha hoặc mẹ xảy ra quan hệ tình dục với chúng đều biết điều đó là sai nhưng chúng cho rằng cũng không sao vì người làm điều đó cũng là Cha hoặc Mẹ chúng. Chúng thoát khỏi tâm trạng hỗn loạn bằng cách cho rằng “Chính mình là người không ổn”.

Nhất là, chúng ta phải lắng nghe con cái mình. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện 4 năm rưỡi sau khi nhận tội mưu sát, Scott Anders (xem dưới đây) bộc lộ sự chua xót khi nhớ lại mình đã tâm sự về những lần bị ngược đãi với biết bao thầy cô, hàng xóm và bà con – nhưng không một ai giúp thằng bé. “Chỉ vì một đứa bé còn nhỏ, nhưng đừng cho là nó ngốc. Ít nhất hãy lắng nghe nó. Sau đó, hãy tìm hiểu vấn đề.”

Mặc dù xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề ngược đãi trẻ em nhưng nhiều người vẫn không biết phải làm gì khi gặp trường hợp này. Nếu bạn nghi ngờ một đứa trẻ đang bị ngược đãi hoặc bỏ mặc, ít nhất bạn cũng nên gọi điện cho cơ quan địa phương hoặc quốc gia có thẩm quyền điều tra các trường hợp ngược đãi và bỏ mặc trẻ em. Ở nhiều quốc gia, các báo cáo có thể viết dưới dạng ẩn danh; trong bất kỳ trường hợp nào, nhân dạng của người gọi báo đều được giữ bí mật. Nếu cơ quan xác định rằng đứa trẻ đang gặp nguy hiểm, họ sẽ tạm thời cách ly nó khỏi gia đình và giữ nó ở một nơi an toàn trong khi chờ sắp xếp.

Cuối cùng, trong cùng một xã hội, chúng ta phải thông cảm với những đứa trẻ phạm tội giết cha mẹ. Chúng không phải là những đứa trẻ bất trị nhưng sau bản cáo trạng, chúng thường bị đối xử khắc nghiệt, mặc dù việc chúng nhỏ tuổi được coi là một nhân tố giảm nhẹ hình phạt của bản án. Chúng trước đó đã bị ngược đãi trong một thời gian dài, do đó chúng cảm thấy tức giận và đau khổ. Chúng cần hiểu được tấn thảm kịch, hiểu rằng hành động của chúng là sai, rằng đó không phải cách để giải quyết vấn đề và rằng lẽ ra chúng nên chọn một cách giải quyết khác không gây thiệt hại. Chúng cần vượt qua rất nhiều mất mát – mất tuổi thơ, mất tương lai tươi sáng, cũng như mất đi cha hoặc mẹ. Chúng cần được giúp nhận ra chúng đã có những tình cảm tốt đẹp về cha mẹ mình, và để những cảm xúc chôn sâu trong lòng được bày tỏ để chúng có thể tìm được giải thoát. Đây không phải những mâu thuẫn có thể giải quyết được bằng án tù tội.

Xét cho cùng, bất hạnh của chúng là đã được sinh ra trước khi chúng ta có thể tạo ra một thế giới an toàn cho chúng.

TÍNH CÁCH CỦA SÁT THỦ THIẾU NIÊN

Mặc dù các nghiên cứu không có nhiều nhưng TS. Heide đã dựa trên những nghiên cứu trước đây cùng với các vụ án bà đã thụ lý để phác họa đặc điểm chung xuất hiện ở 50 vụ án mà sát thủ chỉ ở độ tuổi thiếu niên như sau:
  • Có dấu hiệu bạo lực gia đình
  • Nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng thất bại
  • Cố gắng bỏ nhà đi hoặc tự tử
  • Bị cô lập khỏi bạn bè
  • Môi trường sống ngày càng bí bách
  • Cảm thấy bất lực trong việc thay đổi hoàn cảnh gia đình
  • Không thể ứng phó được với những gì đang xảy ra với bản thân
  • Không có tiền sử phạm tội
  • Trong nhà có sẵn súng
  • Có cha mẹ nghiện rượu
  • Xảy ra tình trạng “hổng” trí nhớ sau vụ giết người
  • Cái chết của nạn nhân được xem là cách giải thoát cho tất cả mọi người trong nghịch cảnh đó.

NẾU SUY NGHĨ CÓ THỂ DẪN ĐẾN GIẾT NGƯỜI

Mặc dù điều này đáng lo ngại nhưng lại hoàn toàn có thật. Những ý nghĩ giết cha mẹ còn phổ biến hơn những gì có thể xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta như những gì đồng nghiệp của tôi TS Eldra Solomon và tôi mới phát hiện trong một cuộc khảo sát thực hiện trên 40 phụ nữ trưởng thành từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Bảng câu hỏi, thực hiện dưới dạng ẩn danh, gồm 200 vấn đề về lạm dụng và bỏ mặc. Do nhiều người không nhận ra những gì cha họ làm với họ là lạm dụng, nên bảng câu hỏi không gọi bất kỳ hành vi nào là lạm dụng hay bỏ mặc; nó chỉ đơn thuần mô tả những hành vi và hỏi xem chúng có từng xảy ra hay không.

Một trong những câu hỏi được đặt ra là: trước năm 18 tuổi, bạn có từng nghĩ đến việc giết người cha hay người mẹ bạo lực của mình chưa? Có đến 50% – tức 20 phụ nữ – trả lời có với tư cách là một thanh thiếu niên. Một số còn cho biết thậm chí họ còn lên kế hoạch giết người.

Chúng ta biết rằng phụ nữ ít hung bạo hơn đàn ông rất nhiều, tuy nhiên có đến 50% trường hợp được ghi nhận có tư tưởng muốn giết cha hoặc mẹ. Một câu hỏi thú vị đặt ra “Phải chăng con số này còn cao hơn đối với nam giới?”

Kết quả thu được đã chứng thực chiều sâu cảm xúc mà tình trạng ngược đãi tạo ra. Nó gây ra nỗi đau, sự sợ hãi, cơn giận dữ và sự tủi thân mà nhiều người phải cố gắng kìm nén trong suốt cuộc đời. Căn cứ vào cường độ cảm xúc mà sự ngược đãi gây ra cho các nạn nhân, câu hỏi chính xác không phải là “Tại sao những đứa trẻ lại giết cha mẹ chúng?” mà phải là “Tại sao không có nhiều đứa trẻ hành động như vậy?”. Và tiếp đó, chúng ta cần tìm hiểu điều gì ngăn chúng hành động.

VỤ ÁN CỦA SCOTT ANDERS

Scott Anders là một thằng bé da trắng sinh ra trong một gia đình trung lưu lớp dưới. Khi xuống tay giết người cha 36 tuổi, thằng bé chỉ mới 15 tuổi. Vào trưa ngày xảy ra án mạng, Scott đã tâm sự với một người bạn rằng mọi thứ trong nhà ngày càng trở nên tồi tệ. Thằng bé cho biết cha nó ngày nào cũng trở về nhà trong trạng thái phê cần sa và cocain. Ông ấy nhiều lần chửi mắng, đe dọa thậm chí đòi giết nó. Chiều tối hôm đó, người cha hút cần sa và tiếp tục quát tháo thằng bé. Lúc đó Scott đã trốn khỏi nhà và nói rằng sẽ trở về, hy vọng cha nó sẽ tỉnh táo lại. Khi Scott bước vào cửa, nó thấy khẩu súng lục 12 li của cha nó đang dựng cạnh ghế.

“Khi cháu quay về nhà, nhìn thấy cháu bước vào cửa, cha lại bắt đầu chửi cháu. Ông quát tháo om sòm và đòi nện cháu một trận. Đó là điều cuối cùng cháu nhớ. Khi ông ấy chuẩn bị mồi thuốc thì cháu chụp lấy khẩu súng và bóp cò. Ông ấy lùi lại, đổ vật xuống và máu phun ra từ miệng ông ấy. Đôi mắt ông giật giật, rồi cháu bắn thêm một phát nữa. Sau đó, cháu cảm thấy rất sợ”.

Scott chạy đi tìm đứa bạn thân Kirk và nói rằng mình sắp tự sát vì “Khi bắn ông ấy, tớ như một con người khác”. Kirk lấy lại khẩu súng từ tay Scott và dắt nó về nhà. Khi cố gắng xem xét tình trạng của ông Anders, Kirk nhớ Scott đã “gào khóc bù lu bù loa” lên. Hai đứa báo cảnh sát và Scott đã thú nhận tất cả. Hội đồng tối cao quyết định khởi tố Scott với tư cách người trưởng thành với bản cáo trạng gồm hai tội: tội thứ nhất mưu sát mức độ 1 và tội thứ hai là sở hữu súng.

Scott Anders là đứa con trai chung duy nhất của Lily và Chester Ander. Năm Scott lên ba, bà Anders bỏ nhà ra đi dẫn theo hai đứa con riêng một trai một gái. Trong suốt bốn năm sau đó, Scott đã phải bốn lần chuyển chỗ ở nhờ hết nhà người bà con này đến nhà người bà con khác. Khi cha đi bước nữa, Scott dọn đến sống cùng với mẹ kế, Mary, người phụ nữ khiến Scott nhớ lại một cách trìu mến. Nhưng cuộc hôn nhân này kéo dài không được bao lâu, chẳng mấy chốc bà ấy cũng bỏ nhà đi. Ông Anders sau đó lại cưới một “Mary thứ hai” và Scott dọn về sống với họ tại một khu được coi là nơi trú ẩn của những kẻ buôn bán ma túy.

Scott “chưa bao giờ tham gia chơi bóng chày hay bất cứ cái gì khác”, cũng không thể đi đến Scouts hay chơi đùa vì thằng bé “lúc nào cũng bận bịu việc nhà. Phụ làm việc vặt”. Việc vặt ư? “Cháu phải quét nhà, lau nhà, quét sân, rửa xe, dọn phòng, dọn gara, cắt cỏ và giúp hàng xóm làm việc vặt nữa”.

Ông Anders là một người đàn ông nóng tính từng nhiều lần hành hạ vợ cả về thể xác lẫn gây tổn thương bằng lời nói. Scott nhớ rằng cha mình xem những bà vợ là “những con mụ đàng điếm, ông sẵn sàng nện họ tơi bời mà không có bất kỳ lý do nào. Tính khí ông gắt gỏng từ lúc banh mắt thức dậy đến lúc lên giường đi ngủ. Nếu chú pha cà phê không đúng, ông sẽ tạt thẳng vào mặt chú. Tiêu quá nhiều tiền khi mua sắm, ông sẽ dạy cho chú bài học để chú không bao giờ được như thế nữa”. Scott còn xác nhận một sự thật là cha nó từng mấy lần dùng súng đe dọa Mary thứ hai, còn việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì xảy ra hơn cả trăm lần.

Từ khi biết chuyện thì những trận đòn đối với Scott nhiều như cơm bữa. Đôi khi cũng có một số “lý do” (Mary thứ hai không làm việc nhà và đổ thừa cho Scott), đôi khi không (“cháu té ngã rồi ông ấy nổi điên lên”). Mức độ ác liệt của những trận đòn cũng phụ thuộc vào tình trạng say xỉn của cha nó. “Khi ông ấy tỉnh, ông ấy sẽ đánh chú. Nhưng một khi ông ấy có hơi men… đó là lúc ông ấy thật sự lên cơn”.

Scott cho biết cha nó cũng quý nó mặc dù ông ấy coi nó là vô tích sự. Mary thứ hai lại đối xử với Scott “như một con chó. Lấy cho tao chai bia. Lau sạch hành lang. Cắt khoai tây”. Chính bà ấy bắt Scott vứt bỏ con chó – người bạn quý của thằng bé vì bà ấy chỉ thích cún con.

Những ngày cuối tuần mới thực sự là địa ngục. Ngày thường, ông Anders bắt đầu nhậu nhẹt từ một giờ và cứ thế đến khi gục thì thôi. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, cả ông và bà Mary thứ hai đều nhậu rồi sau đó đi bar, bỏ mình Scott ở nhà. Khi còn nhỏ, nó rất sợ bị bỏ một mình. Sau này khi lớn hơn, nó luôn rất tức khi bị bỏ một mình. Scott nghĩ thà là bị đánh còn hơn bị bỏ một mình.

Trận đòn ác liệt nhất là khi Scott cố gắng bỏ nhà đi nhưng sau đó lại quay về vì sợ cha mẹ mình lo. Khi Scott về đến nhà, cả hai người đều đang say ngủ. Lúc thức dậy “Mary thứ hai đánh cháu một trận tơi bời đến 1 giờ sáng. Bà ấy ên cơn nhảy vào đấm, tát và đánh cháu túi bụi”. Sáng hôm sau, đến lượt cha Scott. “Ông cũng cho cháu một trận lên bờ xuống ruộng. Ông đánh vào bụng, mặt và khắp mình mẩy cháu.” Trận đòn ác liệt đến mức ông ấy cho Scott nghỉ học ở nhà mấy ngày vì đầu nó sưng lên mấy cục.

Một tháng trước khi xảy ra thảm sát, bà Mary thứ hai đã bỏ trốn cùng một ông bạn của Anders. Vì chuyện đó, cha Scott đổ lỗi cho nó và cho rằng “Mọi chuyện trở nên ngày càng tệ hại”. Cùng với sự ra đi của Mary thứ hai, rồi đây Scott sẽ phải làm hết các công việc nấu nướng và quét dọn. Ông Anders không thể đi làm do sức khỏe yếu. Không còn được uống rượu nữa, ông chuyển sang chơi ma túy rồi ngày càng trở nên bạo lực. “Ông ấy bắt đầu dọa giết cháu”.

Buổi tối xảy ra vụ án mạng, Scott và cha nó cãi nhau một trận về chuyện nó không muốn ở nhà một mình (nó cứ phải chờ bên ngoài đến khi cha nó trở về). Ông ấy cứ “chửi mắng và quát tháo, rồi khi cháu chạy đi ông ấy nói “Tốt nhất là mày đừng nên đi đâu”. Cháu rất sợ, chỉ biết nhanh chân chạy mất. Khi cháu về nhà thì cháu thấy khẩu súng”.

Khi trước mắt không có một mối đe dọa nào, thì hành động giết cha mẹ lại là kết thúc một quá trình tích tụ lâu dài. Scott nhớ lại mình đã nổ phát súng thứ hai bởi vì nó thấy sợ “những gì ông ấy có thể làm với nó” sau khi bắn phát đầu tiên.

Tính đến năm học lớp 7, Scott đã tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè và ông bà bằng cách kể cho họ nghe những lần bị đánh đập, hành hạ. Nhưng “không ai muốn dính líu”. Sau đó, nó trở nên ít nói kể cả với những đứa bạn thân nhất vì nó không muốn họ biết sự thật. Scott cho biết nó ghét từ “ngược đãi trẻ em” vì nó ghét những gì mà từ đó ngụ ý về người cha của nó.

Bích Ngọc dịch


Vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu
 
Mr. Tâm Lý © 2015. Copyright by Mr. Tâm Lý
Top